
Khi xã hội già hoá do tỷ lệ sinh giảm, Nhật Bản đang dần chuyển sang tiếp nhận lao động từ những nơi khác ở châu Á để duy trì hoạt động của các nông trại. Bộ Nông nghiệp cho biết tính đến tháng 10 năm ngoái có khoảng 32.000 thực tập sinh nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Con số này nhiều gấp đôi so với năm 2014.
Dịch COVID-19 khiến nông dân Nhật Bản thiệt hại nặng nề
Xu hướng này sẽ còn tiếp tục sau khi luật có hiệu lực vào tháng 4 năm ngoái cho phép Nhật Bản tiếp nhận thêm lao động nước ngoài. Những nông dân như anh Sato, những người đang tìm kiếm sự giúp đỡ để vận hành trang trại, rất hoan nghênh điều này. Anh đã đầu tư khoảng 46.000 đôla Mỹ để lắp đặt thêm nhà kính. Sẽ có rất nhiều việc để làm, nhưng anh nghĩ có thể xoay xở được khi thuê 2 thực tập sinh nước ngoài. Hiện nay, đại dịch do vi-rút corona đã đẩy anh vào tình thế không biết phải làm gì.
Nông trại của anh Sato cũng phức tạp hơn hầu hết những nơi khác. Anh áp dụng phương pháp không sử dụng hoá chất một cách nghiêm ngặt và trồng măng tây bằng loại phân bón hữu cơ do anh tự pha chế.
Tồi tệ hơn, đại dịch cũng khiến nhu cầu đối với những sản phẩm chất lượng cao như của anh Sato giảm sút. Lệnh hạn chế đi lại giữa các quốc gia thực sự khiến ngành du lịch bị đình trệ. Và tuyên bố tình trạng khẩn cấp đồng nghĩa với việc người dân ngày càng ở nhà nhiều hơn. Các nhà hàng đang phải chật vật để tiếp tục kinh doanh và giá cả cũng đang giảm mạnh.
Anh Sato nói rằng thật khó mà phẫn nộ về tình thế không nằm trong tầm kiểm soát của mình nhưng anh thừa nhận là không thể trồng măng tây với số lượng như trước nữa.
Chính phủ có biện pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp
Tuy nhiên, những người nông dân như anh có thể nhận được giúp đỡ từ Chính phủ Nhật Bản. Vào ngày 7/4, chính phủ đã thông qua gói kích thích khẩn cấp trị giá khoảng 108 nghìn tỷ yên, tương đương 1.000 tỷ đôla Mỹ, để ứng phó tác động kinh tế của đại dịch.
Biện pháp này bao gồm hỗ trợ tài chính cho ngành nông nghiệp, trợ cấp cho nông dân để họ có thể mua hạt giống và thiết bị, cũng như bù đắp cho họ khi nhu cầu cung cấp thực phẩm cho bữa trưa ở các trường học giảm đi.
Gói kích thích cũng giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động do chương trình thực tập sinh bị gián đoạn, thông qua cấp tiền để người nông dân có thể thuê sinh viên các trường nông nghiệp và lao động có kinh nghiệm. Gói hỗ trợ cũng bao gồm các khoản trợ cấp cho công nghệ mới, như chương trình trí tuệ nhân tạo (AI), để giảm bớt gánh nặng thiếu hụt lao động.
Tỉnh Aomori ở miền Bắc Nhật Bản cũng có biện pháp riêng để giúp đỡ các nông dân. Vào ngày 10/4, tỉnh cho ra mắt dịch vụ tư vấn miễn phí để những nông dân đang phải chật vật với tình trạng thiếu lao động liên hệ được với những người hiện không có việc làm do đại dịch. Ý tưởng là kết nối hai bên có nhu cầu với nhau.
Ebina Yoshinori, một quan chức của tỉnh Aomori tham gia chương trình nói trên, cho biết: “Tôi hy vọng người nông dân có thể có đủ nhân lực để vượt qua giai đoạn bận rộn nhất trong năm này. Chúng tôi cũng hy vọng chương trình có thể giúp cho những người có thu nhập bị giảm sút”.
Theo NHK