Biết chào hỏi người lạ, thật thà… là những gì mẹ Nhật trang bị cho con trong suốt quá trình nuôi dạy.
Trẻ em Nhật Bản luôn được khen ngợi vì sự ngoan ngoãn và kỷ luật, cũng như ý thức độc lập. Để được điều đó, người mẹ phải rèn giũa từ khi đứa con còn nhỏ.
Những quy tắc mà mẹ Nhật luôn dạy con bao gồm:
Học cách nói lời chào, cảm ơn, xin lỗi
Người Nhật quan trọng lễ nghi, vì thế mẹ Nhật luôn dạy con biết chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi. Trẻ được dạy cách cúi mình chào mọi người, nói lời cảm ơn khi được hỗ trợ, giúp đỡ, nói lời xin lỗi khi gây rắc rối cho người khác. Trẻ Nhật được dạy chào hỏi kể cả người lạ, điều này giúp chúng có thêm sự tự tin và kỹ năng tương tác trong cộng đồng.
Ở Nhật, trẻ từ cũng được gia đình dạy phải hết sức tôn trọng người lớn tuổi. Trẻ 3 tuổi đã hoàn toàn quen thuộc với việc cúi chào người lớn.
Học xếp hàng
Dù đi bất cứ nơi đâu như siêu thị, trường học, bến xe bus… trẻ đều được dạy phải xếp hàng, tuyệt đối không bao giờ chen lấn, xô đẩy. Điều này khiến “văn hóa xếp hàng” trở nên vô cùng nổi tiếng ở Nhật.
Không gây ồn ào nơi công cộng
Trẻ được mẹ rèn luyện về việc giữ âm lượng ở mức đủ nghe, không để người thứ ba nghe thấy. Điều này giúp trẻ rèn luyện thói quen kiểm soát âm lượng giọng nói, không gây ồn ào nơi công cộng và làm ảnh hưởng tới người khác.
Việc rèn luyện này của mẹ Nhật cũng giúp trẻ hiểu quy tắc: khi đi ra nơi công cộng, không phải thích làm gì thì làm, nói gì thì nói, mà còn cần phải xem tác động và ảnh hưởng từ việc làm của mình tới người xung quanh. Thế nên, trẻ được dạy khi nói chuyện với ai đó thì hãy đến tận nơi, nói chuyện trực tiếp, thay vì nói vọng từ xa gây ảnh hưởng tới người khác.
Người Nhật rất tôn trọng cộng đồng, vì thế, mẹ Nhật rèn giũa con từ nhỏ rằng luôn luôn nghĩ đến người khác và hành xử phù hợp, không để cảm xúc bản thân bộc lộ nơi công cộng.
Gia đình là chỗ dựa
Người Nhật đề cao giá trị gia đình. Cha mẹ là chỗ dựa đáng tin cậy nhất đối với con cái, vì thế mẹ Nhật luôn khuyến khích con chia sẻ những suy nghĩ, tâm sự của mình với cha mẹ. Khi con có điều gì không vui, thay vì giữ tất cả trong lòng, cách tốt nhất là nên trò chuyện. Chiều ngược lại, phụ huynh cho thấy thái độ sẵn sàng lắng nghe và cởi mở chia sẻ.
Trong văn hóa Nhật, tình yêu, sự kiên nhẫn và lòng khoan dung là nền tảng của mối quan hệ giữa mẹ và con. Điều đó có nghĩa là trẻ em có thể dựa vào cha mẹ vô điều kiện. Kết nối giữa con cái và mẹ đặc biệt chặt chẽ. Khi trẻ còn nhỏ, mẹ thường ngủ cùng, là người trực tiếp địu trẻ và chăm chút chúng. Người mẹ khuyến khích con cái tương tác, chia sẻ với mình.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản từng chứng minh rằng thái độ tích cực của cha mẹ làm giảm nguy cơ hành vi có vấn đề ở trẻ, đồng thời giúp cải thiện hành vi của trẻ bị rối loạn phát triển.
Đừng nói dối
Trung thực luôn là phẩm chất được đánh giá cao với người Nhật. Mẹ Nhật dạy con rằng nói dối để lừa mọi người sẽ chỉ khiến bạn bè xa lánh, người thân thiếu tin tưởng. Việc mất đi thứ quý giá nhất là niềm tin sẽ khiến mỗi người phải hối hận.
Ý định của người nói dối không gì hơn là che đậy sự thật, trẻ em cũng không nằm trong ngoại lệ. Vì vậy, khi trẻ nói dối, phản ứng đầu tiên của cha mẹ luôn là thái độ khoan dung, sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cầu thị để trẻ không bị gánh nặng tâm lý.
Đồ nhặt được sẽ phải được trao trả cho người mất
Đây là một trong những quy tắc quan trọng mà cha mẹ Nhật đặt ra cho con. Điều này giúp con hiểu về việc không được sử dụng tài sản của người khác, và khi nhặt được của rơi, phải tìm cách trả lại cho người mất. Điều này cũng lý giải vì sao ở Nhật, các món đồ thất lạc rất dễ tìm về với chủ.
Một thử nghiệm thực tế tại Nhật Bản, do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản thực hiện cách đây ít lâu cho thấy, trẻ em Nhật khi nhặt được ví tiền đều tìm mọi cách để trả lại chủ nhân nếu chúng thấy họ đánh rơi đồ, hoặc chúng sẽ mang tới đồn cảnh sát.
Không bỏ phí thực phẩm
Trước khi bước vào bữa ăn, trẻ được mẹ dạy nói thầm “Itadakimasu”, hàm ý cảm ơn những thực vật, động vật đã góp phần để trẻ có được bữa ăn ngon. Câu này cũng có nghĩa là “Tôi sẽ ăn ngon miệng”. Điều này cũng rèn luyện trẻ phải ăn hết đồ ăn trong đĩa, không được bỏ phí vì bất cứ lý do nào.
Ngoài ra, khi người lớn gắp thức ăn cho trẻ, nhưng nếu không thích, trẻ được dạy nói “con no rồi”, thay vì tỏ thái độ xấu trước thiện chí của người khác.
Thùy Linh (Theo Aboluowang